Mắm cá lóc là một trong những đặc sản nổi tiếng của miền sông nước Nam Bộ. Mắm có độ tươi, thơm ngon từ thịt cá và đặc biệt chúng có thể kết hợp với một số nguyên liệu khác để tạo nên những món ăn ngon hấp dẫn. Vậy cách làm mắm cá lóc như thế nào, hãy cùng Mẹo nhà sạch tìm hiểu qua bài dưới đây nhé!
Nguyên liệu làm mắm cá lóc chưng
Cá lóc đồng
- Khối lượng: 300g
- Khi mua, bạn nên chọn những con cá lóc có kích thước vừa phải, đầu thon nhọn và có màu đen sậm đồng đều. Tránh chọn những con cá có màu nâu xám và quá béo, vì đây là cá được nuôi công nghiệp khi làm mắm sẽ không thơm ngon bằng cá lóc đồng.
Gạo tẻ
- Khối lượng: 50g
- Để làm thính ướp cá, bạn nên chọn mua gạo tẻ mới, có mùi thơm nhẹ, hạt tròn đều và bóng. Tránh chọn gạo bị gãy, có mùi mốc, màu vàng hoặc đen vì đó là gạo tẻ để lâu ngày.
- Gạo tẻ sau khi mua về, mang đi rang vàng đều rồi giả thật mịn để làm thính ướp cá.
Muối
- Khối lượng: 100g
- Để mắm cá lóc thơm ngon và chuẩn vị, bạn nên sử dụng muối hạt để ướp cá, vì muối hạt mặn nên không cần pha thêm các chất khác.
Tỏi
- Khối lượng: 20g
- Khi mua, nên chọn những củ tỏi già, có tép tỏi đầy đặn, vỏ màu trắng để khi chế biến sẽ dậy mùi thơm hơn.
- Sau khi mua về, mang tỏi bóc sạch vỏ rồi cắt lát mỏng.
Đường
- Khối lượng: 100g
- Để mắm cá lóc được thơm ngon, bạn chỉ nên sử dụng đường thốt nốt hoặc đường tán. Tuyệt đối không dùng đường cát hay đường phèn, như vậy sẽ làm mắm bị cặn.
Hướng dẫn cách làm mắm cá lóc
Sơ chế cá lóc
Cá lóc sau khi mua về, bạn phải đánh vảy, làm sạch mang, bỏ ruột và các mạch máu. Sau đó, rửa cá nhiều lần với nước chanh pha loãng để khử bớt mùi tanh và bớt nhớt rồi để ráo nước. Khi thấy cá đã ráo nước, dùng dao cắt thành từng khúc vừa ăn.
Làm mắm cá lóc chưng
Bạn tiến hành xếp cá vào hũ thủy tinh, lần lượt 1 lớp cá đến 1 lớp muối cho đến khi hết cá rồi nhấn xuống để muối lấp đầy các khoảng trống trong hũ. Sau đó, dùng đũa hoặc thanh tre gài chặt cá, đậy kín nắp hũ lại rồi để ở những nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời khoảng 5-6 ngày cho cá thấm. Tùy vào khẩu vị của gia đình mà bạn có thể giảm lượng muối, nhưng không nên giảm quá nhiều sẽ làm mắm bị nhạt và không bảo quản được lâu.
Sau khoảng thời gian trên, muối đã tan hết và thấm đều vào cá thì chắt phần nước muối ra. Sau đó, thêm tỏi cắt lát mỏng và thính gạo vào trộn đều rồi tiếp tục dùng đũa gài chặt cá lại, đậy kín nắp và để ở những nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời khoảng 1 tháng.
Sau 1 tháng, bạn lấy nồi đặt lên bếp, đổ nước lọc và đường vào khuấy đều, đun với lửa cho cho đến khi nước đường sôi thì vớt bọt để nước trong sẽ giúp mắm cá bảo quản lâu hơn. Tiếp tục khuấy đều đến khi thấy nước đường sệt lại thì tắt bếp và để nguội hoàn toàn.
Cho hết phần nước đường vừa nấu vào hũ đựng cá, trộn đều và để ở những nơi khô ráo khoảng 2-3 tháng cho đường thấm đều vào cá. Sau khi cá đã được ủ kỹ, gia vị sẽ thấm đều là mắm cá đã hoàn thành và có thể sử dụng.
Thành phẩm
Mắm cá lóc sau khi hoàn thành sẽ có màu sắc rất bắt mắt và hương thơm đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Từng miếng cá lóc săn chắc, thấm đều gia vị, bạn có thể chưng mắm dùng ngay hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác để làm những món ăn ngon.
Trên đây là cách làm mắm cá lóc thơm ngon sẽ khiến cả nhà ăn ngon miệng và hài lòng. Mắm cá lóc mang hương vị đồng quê, dân dã lại rất đưa cơm. Đây chắc chắn sẽ là món ăn lạ miệng cho bữa cơm của gia đình bạn thêm hấp dẫn. Chúc bạn thành công!