11 Cách chăm sóc răng miệng giúp răng khỏe đẹp

Để có hàm răng trắng sáng và khỏe mạnh thì thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chăm sóc răng miệng đúng cách. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về cách chăm sóc răng miệng giúp bảo vệ […]

Đã cập nhật 29 tháng 11 năm 2023

Bởi Thảo Phạm

11 Cách chăm sóc răng miệng giúp răng khỏe đẹp

Để có hàm răng trắng sáng và khỏe mạnh thì thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chăm sóc răng miệng đúng cách. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về cách chăm sóc răng miệng giúp bảo vệ răng khỏi các bệnh lý nguy hiểm.

1. Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày

Hàng ngày, miệng chúng ta tiếp xúc với đủ loại thức ăn, đồ uống và vi khuẩn. Những vi khuẩn này gây nên mảng bám, một lớp mờ trên răng, gây hại cho men răng và có thể dẫn đến những vấn đề như sâu răng và viêm nhiễm nướu. Việc đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày không chỉ loại bỏ mảng bám và vi khuẩn mà còn giúp giảm nguy cơ hình thành sâu răng và viêm nhiễm nướu.

Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày
Đánh răng giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn (Nguồn: Internet)

2. Chải răng đúng cách

Chải răng đúng cách là bước quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng. Đầu tiên, lựa chọn bàn chải phù hợp với kích thước miệng và sợi lông mềm để không gây tổn thương nướu hoăc đánh răng bị chảy máu. Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày trong khoảng hai phút mỗi lần, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.

Kỹ thuật chải răng quan trọng không kém. Di chuyển bàn chải theo chuyển động tròn, nhẹ nhàng và thấu đáo, không chỉ chải mặt ngoài và mặt trong của răng mà còn chải cẩn thận phần bề mặt cắn của răng. Thay đổi bàn chải đều đặn, khoảng mỗi 3-4 tháng hoặc khi lông bàn chải bị cong, mất đàn hồi.

3. Sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride

Fluoride trong kem đánh răng giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách tạo ra một lớp bảo vệ mạnh mẽ cho men răng, ngăn chặn vi khuẩn gây tổn thương cho bề mặt răng. Ngoài ra, fluoride còn hỗ trợ tái cấu trúc răng khi răng bị tấn công bởi acid từ thức ăn hoặc vi khuẩn, giúp làm mạnh men răng và chống lại sự phá hủy.

Việc sử dụng kem đánh răng chứa fluoride cũng giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm nướu và các vấn đề liên quan đến sức khỏe nướu. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng fluoride giúp xây dựng nền răng chắc khỏe từ khi còn nhỏ, giúp bảo vệ răng sớm trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ liều lượng sử dụng fluoride theo hướng dẫn để tránh tình trạng quá liều có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em, và nên tìm sự tư vấn từ bác sĩ nha khoa hoặc chuyên gia về sức khỏe răng miệng.

4. Dùng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng

Chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn kẹt giữa các kẽ răng một cách hiệu quả, ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ và giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm nướu. Không chỉ vậy, chỉ nha khoa còn tiện lợi và sạch sẽ khi được đóng gói riêng biệt, dễ dàng mang theo khi di chuyển.

5. Chú trọng việc vệ sinh lưỡi

Vệ sinh lưỡi không chỉ giúp bạn có hơi thở thơm tho mà còn ngăn ngừa vi khuẩn và mảng bám gây bệnh lý răng miệng. Điều này giúp bạn cảm thấy sảng khoái, tự tin hơn và nâng cao trải nghiệm khi thưởng thức thức ăn.

Cách làm sạch lưỡi đơn giản bằng bàn chải: Đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng và chải nhẹ nhàng theo chiều dọc từ cuống lưỡi đến phía đầu. Để tránh tổn thương, hãy chọn bàn chải có lông mềm và sau khi chải xong, súc miệng và rửa sạch bàn chải.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dụng cụ cạo lưỡi: Đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng và cạo nhẹ từ cuống lưỡi về phía đầu, thực hiện một số lần cho đến khi lưỡi sạch. Đừng quên rửa sạch dụng cụ sau khi sử dụng và bảo quản nơi khô ráo. Hai cách này đều giúp bạn duy trì sức khỏe răng miệng tốt và cảm giác sảng khoái suốt cả ngày.

6. Sử dụng nước súc miệng thường xuyên

Sử dụng nước súc miệng thường xuyên giúp loại bỏ mảng bám, các mảnh vụn thức ăn lưu lại, từ đó ngăn ngừa những vấn đề như sâu răng, viêm nướu, viêm quanh răng và chảy máu chân răng. Đồng thời, nước súc miệng còn giúp cải thiện hơi thở, mang lại cảm giác thơm mát và ngăn chặn mùi hôi miệng.

Tuy nhiên, không thể thay thế hoàn toàn nước súc miệng cho các bước vệ sinh răng khác mà cần kết hợp để tăng hiệu quả. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi dùng nước súc miệng:

  • Chọn một loại nước súc miệng chứa các thành phần chống vi khuẩn và kháng viêm như fluoride, chlorhexidine hoặc CPC. Đọc kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo lựa chọn đúng loại phù hợp với nhu cầu của bạn.
  • Sau khi đã chải răng, đổ một lượng nước súc miệng vào cốc nhỏ. Súc miệng trong khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút.
  • Khi súc miệng, hãy đảm bảo nước súc miệng tiếp xúc với mọi phần của miệng, bao gồm răng, lợi, nướu và lưỡi. Nhổ nước súc miệng ra sau khi súc miệng.

7. Uống nhiều nước

Nước lọc không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của răng miệng. Việc uống nước sau bữa ăn giúp cân bằng axit trong miệng và giảm nguy cơ mắc các vấn đề như mòn men răng và sâu răng. Ngoài ra, nó còn giữ cho miệng luôn ẩm mịn, ngăn ngừa tình trạng khô miệng và hỗ trợ quá trình tự phục hồi của nướu và các mô xung quanh răng.

8. Hạn chế sử dụng thuốc lá, trà, cà phê

Nicotine trong thuốc lá làm giảm lưu lượng máu tới nướu, làm yếu men răng và góp phần vào việc hình thành các vết ố vàng trên bề mặt răng. Ngoài ra, thuốc lá cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác như viêm nướu, mất răng và cả ung thư miệng. Chất hóa học trong thuốc lá cũng làm yếu hệ thống miễn dịch trong miệng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.

Những đồ uống sẫm màu như trà, cà phê,… nếu sử dụng thường xuyên có thể gây mòn men răng do axit trong chúng, dẫn đến răng nhạy cảm và tăng nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, chúng cũng có thể làm xuất hiện vết ố vàng trên răng, giảm thẩm mỹ của nụ cười. Để hạn chế tác động của những chất này đến răng, bạn nên hạn chế số lần uống trong ngày và nên sử dụng ống hút khi uống.

9. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả

Ăn nhiều hoa quả và rau xanh cung cấp chất xơ và nước, giúp làm sạch răng và giữ cho răng miệng khỏe mạnh. Đồng thời, những thực phẩm này kích thích tiết nước bọt trong miệng, loại bỏ thức ăn dư thừa và giảm tình trạng khô miệng.

Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại rau xanh và hoa quả giàu vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe răng miệng như vitamin A, vitamin C, canxi, kali,… Tuy nhiên, một số loại hoa quả như cam, chanh, dứa chứa axit nhiều, nếu ăn quá nhiều có thể gây hại cho men răng.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả
Ăn nhiều hoa quả và rau xanh giúp làm sạch răng và giữ cho răng miệng khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

10. Tránh ăn đồ ngọt, thức ăn nhiều đường, axit

Khi ăn đồ ngọt, đường có thể biến thành axit trong miệng, gây tổn thương cho men răng và làm tăng nguy cơ sâu răng. Ngoài ra, trái cây như dâu tây, cam chanh, dứa cùng với trà và cà phê cũng chứa axit, có thể gây hại cho men răng. Tuy nhiên, không cần phải loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm và đồ uống này khỏi chế độ ăn uống của bạn. Thay vào đó, sau khi tiêu thụ, hãy súc miệng bằng nước lọc. Súc miệng giúp loại bỏ một phần axit và các chất gây hại khác, giảm nguy cơ tổn thương cho men răng.

11. Khám nha khoa định kỳ 2 lần/năm

Khám nha khoa định kỳ giúp nha sĩ có thể phát hiện và ngăn ngừa các vấn đề răng miệng từ sớm trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này bao gồm phát hiện sâu răng, viêm nướu, vết nứt răng, hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh nướu, ung thư miệng.

Theo tiêu chuẩn chung, việc khám răng nên được thực hiện định kỳ 6 tháng/lần là tốt nhất. Với các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính có liên quan đến sức khỏe răng miệng như: tiểu đường, máu khó đông, tim mạch,… hay người nghiện thuốc lá, từng mắc bệnh răng miệng, phụ nữ mang thai. Thì thời gian khám răng có thể sớm hơn khoảng 3 – 4 tháng/lần.

Tags: